Đặc điểm tình hình
Lệ Mỹ là xã miền núi nằm ở phía Bắc của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2009 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Phú Mỹ theo Nghị định 05/NĐ-CP ngày 19/01/2009 của Chính Phủ; Đảng bộ xã có 14 Chi bộ, trong đó có 8 chi bộ Nông nghiệp, 03 chi bộ trường học, 01 Chi bộ Công an, 01 chi bộ Quân sự và 01 chi bộ Trạm Y tế xã; Xã Lệ Mỹ có 8 khu dân cư, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán…; Xã có trên 47% đồng bào theo đạo công giáo;
Phía Bắc giáp xã Phú Mỹ - huyện Phù Ninh;
Phía Nam giáp với xã Trị Quận - huyện Phù Ninh;
Phía Đông giáp với huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang;
Phía Tây giáp với xã Liên Hoa và Trung Giáp - huyện Phù Ninh.
Tài nguyên
Tổng diện tích đất tự nhiên: 745,75 ha;
+ Diện tích đất nông nghiệp: 600,73ha, chiếm 80,55%.
+ Diện tích đất phi nông nghiệp: 136,56 ha, chiếm 18,32 %.
+ Diện tích đất khác: 8,46 ha, chiếm 1,13 %.
Nhân lực
Tổng dân số của toàn xã: 4.985 nhân khẩu, 1.252 hộ.
Tổng thu nhập 261.712 tỷ đồng, bình quân 52,5 triệu đồng/người/năm.
Thuận lợi
Đảng bộ xã có sự đoàn kết, thống nhất cao. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương từ đó tích cực thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Đội ngũ cán bộ xã và ở khu dân cư có năng lực và trách nhiệm đủ điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Lệ Mỹ có địa hình khá phức tạp, mang đầy đủ đặc trưng của miền trung du Phú Thọ. Trên địa bàn xã có nhiều gò đồi, xen kẽ giữa là những thửa ruộng Dộc. Đồi núi ở đây phần lớn là đồi, gò thấp, có độ dốc trung bình 25- 30°; Đất đồi ở Lệ Mỹ thuộc đất feralit đỏ và vàng có lẫn sỏi nhỏ, thường xuyên bị mưa lũ rửa trôi bạc màu, độ dinh dưỡng thấp. Diện tích đất đai tương đối rộng nhưng chủ yếu là gò đồi chiếm khoảng 70%, rất thích hợp cho việc trồng trọt các loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây nguyên liệu giấy, nhất là các loại cây có giá trị kinh tế cao như sơn, chè, nhãn, vải...
Từ lâu, nhân dân xã Lệ Mỹ đã có tập quán trồng và chế biến chè búp tươi - một loại đồ uống rất thông dụng. Do đặc điểm chất đất nên sản phẩm chè sấy khô của Lệ Mỹ có hương thơm, vị đượm, nước xanh, dùng làm đồ uống rất ngon, được nhiều khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài cây chè đóng vai trò chủ lực, nhân dân Tiên Phú còn trồng nhiều loại cây khác như cây Bưởi Diễn, cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả... Dựa vào tiềm năng đất đai sẵn có, một số gia đình nông dân trong xã đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển trang trại trồng cây có giá trị kinh tế cao như vải, nhãn, xoài, bưởi... đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân trong xã.
Nghề nông là nghề chính nhưng ruộng đất ở Lệ Mỹ rất ít, chỉ chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên toàn xã. Đó là những cánh đồng nhỏ hẹp, những thửa ruộng dộc chạy dọc theo thung lũng các sườn đồi, gò và một số thửa ruộng Dộc. Ruộng canh tác ở đây không có sông ngòi bồi đắp phù sa; mỗi khi mưa lũ, đất cát từ trên các đồi, gò xô xuống, do đó việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy cách trung tâm huyện lỵ 12 km về phía Bắc, cách thị xã Phú Thọ 18km về phía Đông Bắc, không gần thị trấn và các khu dân cư đông đúc nhưng có lợi thế là Tỉnh Lộ chạy qua (Đường tỉnh 323, Tỉnh Lộ 323D, tỉnh Lộ 323E) nên Lệ Mỹ có thuận lợi về giao thông đường bộ. Giao thông đường thủy của xã tương đối phát triển vì xã có khoảng 2,6Km sông Lô chảy qua.